Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, web thương mại điện tử... có thể dễ dàng thấy, hàng loạt danh sách “cửa hàng online” cung cấp từ thực phẩm tươi sống đến đồ đã sơ chế, thực phẩm chín, hoa quả sạch... Dịch càng diễn biến phức tạp thì đây lại càng là một kênh bán hàng tiện lợi, thu hút sự quan tâm của mọi người.
Các mặt hàng kinh doanh thực phẩm được giao bán trên mạng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng lo lắng vì chất lượng sản phẩm bán trên các trang mạng không được kiểm soát, chất lượng chưa được kiểm định, nguy cơ mất ATVSTP là rất cao. Chị Đ.T.T, thành phố Tuyên Quang sở hữu trang Facebook cá nhân với hơn 10.000 người theo dõi có tên “Đ.T.T” kinh doanh các mặt hàng như giò chả, xúc xích, bánh bao… Với những lời mời chào, rao bán hấp dẫn như thực phẩm tươi ngon, bổ, rẻ, không sử dụng chất bảo quản; sản phẩm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hàng về đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí còn không có hàng để bán. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người mua hàng chỉ biết tin tưởng vào người bán hàng và dễ dàng bỏ qua các yêu cầu về ATVSTP, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Chị Bùi Thị Thúy, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, để hạn chế tập trung đông người, tôi thường vào trang Facebook để mua thực phẩm online, mặc dù biết chất lượng thực phẩm chỉ qua hình ảnh rất khó kiểm soát. Thường thì các sản phẩm tôi chọn mua qua mạng xã hội là chọn những địa chỉ của người quen, còn có đảm bảo ATVSTP không thì tôi cũng không dám khẳng định”.
Còn với anh Trần Đức Tuấn, xã Hùng Đức (Hàm Yên) thì sau một lần đặt đồ hải sản qua một tài khoản Facebook, khi nhận hàng, thì kích cỡ, chất lượng không như quảng cáo, đồ không còn tươi sống. Khi nhắn tin lại cho chủ tài khoản thì không hề nhận được phản hồi nào - anh Tuấn nói.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang kiểm soát các mặt hàng thực phẩm bán online trên một số trang mạng xã hội.
Ông Hoàng Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thương mại điện tử. Trong đó, tập trung rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động thương mại điện tử, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng trang Website, bán hàng trên mạng xã hội để kinh doanh các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy vậy, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn bởi nguồn lợi mang lại rất lớn, nhất là đối với những tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội. Nhiều chủ tài khoản không thành lập cơ sở, đăng ký cửa hàng kinh doanh online mà chỉ tạo một tài khoản ảo giới thiệu hàng rồi bán lén lút, bán ở nhà, khi có người đặt hàng thì giao hàng trực tiếp cho khách. Điều này gây khó khăn cho lực lượng Quản lý thị trường khi tiến hành kiểm tra. Hơn nữa, hàng hóa kinh doanh online thường có số lượng nhỏ lẻ, chủ yếu giới thiệu qua mạng, khi có khách đặt hàng mới lấy hàng ở nơi khác để giao nên rất khó theo dõi, kiểm tra và xử lý. Từ tháng 10-2019 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường Tuyên Quang đã phát hiện, xử lý 28 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, với tổng số tiền xử phạt hành chính gần 300 triệu đồng. Trong đó có các trường hợp kinh doanh thực phẩm online.
Theo quan điểm của Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh Lê Xuân Vân, để bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng ngày người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình. Mỗi người cần thay đổi thói quen tiêu dùng, học cách chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu lâu năm. Các sản phẩm này phải được bày bán ở nơi có đủ điều kiện bảo quản như siêu thị, cửa hàng tiện ích. Có như vậy mới bảo đảm VSATTP, bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình, cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết